VÒNG BEZEL TRÊN ĐỒNG HỒ - NHIỀU CHỨC NĂNG TRÊN MỘT CHIẾC VÒNG
Ngay từ những ngày đầu tiên xuất hiện, ý tưởng để biến đồng hồ đeo tay thành một cỗ máy đa năng đã manh nha xuất hiện. Trong buổi sơ khai của công nghệ chế tạo, các nhà thiết kế đồng hồ đã khéo léo tận dụng vị trí giữa vỏ và mặt kính đồng hồ để tạo ra một chiếc vòng mang nhiều chức năng trên đó giúp cho đồng hồ không còn là dụng cụ xem giờ đơn thuần nữa. Đó chính là vòng bezel mà chúng ta sẽ nói tới trong bài viết dưới đây. Trong giai đoạn những năm 50 của thế kỷ trước, khi mà những chiếc đồng hồ đeo tay có chức năng bắt tín hiệu với vệ tinh để tự điều chỉnh thời gian vẫn là thứ chỉ tồn tại trên ý tưởng thì nhu cầu về việc tính toán giờ tại các múi giờ khác nhau trên trái đất đã xuất hiện.
Vấn đề là thiết kế ra sao để có thể cùng một lúc hiển thị được nhiều múi giờ trên cùng một chiếc đồng hồ, đó là điều không hề đơn giản ở thời điểm lúc bấy giờ. Ban đầu, vị trí giữa vỏ và mặt kính đồng hồ là nơi được tận dụng để trang trí, đính kèm các vật liệu đắt tiền như mạ vàng hay đính đá quý. Những nhà thiết kế hàng đầu thời đó xuất phát từ nhu cầu thiết thực trên đã quyết định thay thế vị trí vốn chỉ dùng để trang trí kia bằng một chi tiết có giá trị sử dụng thực tiễn hơn, đó là chiếc vòng mang trên đó 24 vạch, tương đương với 24 múi giờ. Trên mặt đồng hồ, một kim hiển thị mới được xuất hiện với màu sắc khác biệt thấy rõ, được gọi là kim chỉ giờ GMT.
Chiếc vòng được thiết kế để có thể xoay được cả hai chiều, tương ứng với việc người dùng phải cộng hoặc trừ so với giờ địa phương để tính toán được giờ hiện tại của địa điểm mà họ cần biết. Vòng bezel cùng kim chỉ giờ GMT trở thành các khái niệm mới trên đồng hồ đã ra đời trong bối cảnh đó. Nhưng liệu rằng đó đã là tính năng bổ sung duy nhất của vòng bezel hay chưa? Đồng hồ dùng để xem giờ, nhưng vậy là chưa đủ để biến nó thành công cụ có ích phục vụ trong khoa học kỹ thuật. Các nhà sản xuất đồng hồ tận dụng ưu thế đa năng của vòng bezel để biến đồng hồ đeo tay thành một chiếc la bàn thực thụ. Vẫn là chiếc vòng bezel có thể xoay được hai chiều, giờ xuất hiện thêm bốn ký tự: N-North, S-South, E-East, W-West ở bốn góc đồng hồ.
Chỉ cần đảm bảo đồng hồ của bạn đang hiển thị đúng giờ tại nơi bạn đang đứng, xoay đồng hồ sao cho kim chỉ giờ hướng về phía mặt trời và điều chỉnh vòng bezel sao cho chữ S hoặc chữ N nằm ở vị trí giữa kim giờ và mốc 12h tùy vào việc bạn đang ở Bắc hay Nam bán cầu. Vài thao tác đơn giản đó là đủ để đồng hồ đeo tay của bạn thực hiện luôn cả chức năng của một chiếc la bàn. Đây là phát minh quan trọng với những người đang ở trên biển hay trong sa mạc hay với bất cứ công việc nào cần xác định phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Tuy nhiên, vòng bezel còn có vai trò quan trọng với các thợ lặn nữa. Do đặc thù của công việc, thông số về thời gian ở dưới nước là thông số sống còn với người thợ lặn. Đó không chỉ là hiệu quả công việc mà còn liên hệ trực tiếp đến sinh mạng của họ. Từ thông số thời gian lặn, người thợ lặn có thể tính toán ra độ sâu mà họ đang làm việc qua đó tính toán được khoảng thời gian tối đa mà họ có thể làm việc tại đó. Nếu những thông số này không được chú ý theo dõi cẩn thận, nguy cơ xảy ra bệnh tật hay thậm chí mất mạng là rất cao. Để thực hiện chức năng này, trên vòng bezel xuất hiện hệ thống vạch được chia từ 0-60, tương ứng 60 phút để hiển thị thời gian lặn. Vì vậy mà khi máy tính lặn chạy pin còn chưa phổ biến, vòng bezel là thứ luôn đi kèm với đồng hồ đeo tay của thợ lặn chuyên nghiệp. Ngày nay, trong điều kiện công nghệ có bước tiến vượt bậc theo hướng ngày càng hiện đại hơn, công dụng và cách sử dụng của vòng bezel ít được nói đến như trước đây nhưng đồng hồ đeo tay có vòng bezel vẫn được sử dụng với vai trò của một thiết bị dự phòng khi các trang bị hiện đại bất ngờ gặp sự cố. Ngoài ra, nó còn được coi như một chi tiết trang trí trên đồng hồ đeo tay của những người yêu thích các trò phiêu lưu, mạo hiểm.
Nguồn: VÒNG BEZEL TRÊN ĐỒNG HỒ - NHIỀU CHỨC NĂNG TRÊN MỘT CHIẾC VÒNG
Nhận xét
Đăng nhận xét