CITIZEN KỈ NIỆM 50 NĂM PHÁT TRIỂN DÒNG ĐỒNG HỒ TITANIUM

Kể từ khi chiếc đồng hồ Titanium đầu tiên được ra mắt tại Nhật Bản từ năm 1970, Citizen xác lập vị thế như là thương hiệu tiên phong với ứng dụng vật liệu titanium cho đồng hồ. Năm 2020, thương hiệu Citizen quyết định kỷ niệm 50 năm về công nghệ sản xuất đồng hồ titanium, chuẩn bị cho ra mắt model Super Titanium mới nhất – cũng như kế hoạch thám hiểm Mặt Trăng.

Trong thời gian gần đây, vật liệu Titanium ngày càng được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp chế tác vỏ đồng hồ cao cấp. Đây là chất liệu hoàn hảo trong ứng dụng máy móc cơ khí, nhưng liệu nó có thực sự phù hợp với đồng hồ đeo tay? Với nhiều nhà sản xuất, titanium là một vật liệu lý tưởng để làm nên những chiếc đồng hồ. Titanium là từ có nguồn gốc từ Hy Lạp, nhắc nhở về những vị thần đầu tiên, thần titan.


Titanium, cùng với những hợp chất khác từ titanium, là dạng vật chất độc đáo. Chúng nhẹ, có độ cứng cao tuy nhiên bề mặt lại dễ bị xước. Dù vậy, titanium là vật liệu chống ăn mòn tốt, khó nhiễm từ tính, không chứa các loại độc tố. Mỗi kim loại có nhiều loại hợp kim tương ứng, và Titanium cũng như vậy. Hợp kim Titanium phổ biến nhất là Ti-6Al-4V hay còn gọi là Titanium Bậc 5. Chất liệu này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ hàng không vũ trụ cho tới vũ khí, y tế tới kiến trúc, và tất nhiên là cả ngành công nghiệp đồng hồ. Tuy nhiên, rào cản đưa titanium vào việc sử dụng đại trà chính là chi phí chúng khá cao và sự khó khăn trong khâu sản xuất. Nên dù hữu ích, việc sử dụng titanium để ứng dụng cho đồng hồ vẫn còn khá hạn chế. Được tìm ra từ cuối của thế kỷ 18, nhưng đến năm 1940, nghĩa là đã qua 200 năm phát hiện, titanium còn được sử dụng khá ít và phần lớn chỉ được sử dụng trong phòng thí nghiệm. Những đặc tính ấn tượng nhất của Titanium là độ cứng, độ bền và trọng lượng. Về độ cứng và độ bền, Titanium cũng không hơn thép là bao nhiêu. Tuy nhiên, thứ làm cho Titanium nổi bật nhất chính là trọng lượng, Titanium chỉ nặng bằng một nửa so với thép. Với đặc tính cứng, bền và siêu nhẹ, trong thế kỷ 20, khi ngành hàng không và công nghiệp sản xuất tàu vũ trụ bùng nổ, chất liệu này bắt đầu được sản xuất hàng loạt và tới thời điểm gần đây bắt đầu xâm chiếm nhiều thị trường vật liệu. Trở lại những năm 1960, bên cạnh việc sử dụng kim loại quý, đồng hồ còn được làm từ những miếng đồng thau, sau đó đem đi mạ (việc sử dụng thép không gỉ từ năm 1970 mới phổ biến) và lớp mạ sẽ nhanh bị bong tróc. Và đã đó là lý do Citizen quyết định nghiên cứu chất liệu mới làm vỏ đồng hồ. Nghiên cứu được bắt đầu trong năm 1964, các kỹ sư của Citizen đã để ý đến titanium bởi tính cứng cáp, siêu nhẹ và không gây dị ứng da. Trong thời điểm đó, sản xuất titanium chính là một thách thức lớn. Khi được ép lại, titanium có xu hướng dính chặt vào khuôn, hay các dụng cụ gia công thường xuyên bị ăn mòn và các kỹ thuật đánh bóng truyền thống không hiệu quả với chất liệu này. Nói tóm tại, titanium khó ép, khó gia công, khó đánh bóng. Cuối cùng, bất chấp những khó khăn về mặt kỹ thuật, Citizen đã tung ra mẫu đồng hồ X-8 Chronometer vào năm 1970, chỉ một năm sau khi con người lần đầu tiên chinh phục được Mặt Trăng, đã xác lập đây chính là chiếc đồng hồ titanium đầu tiên trên thế giới.



Tuy nhiên, đây mới chỉ là khởi đầu của một con đường gian nan. Bắt đầu từ năm 1970 là cuộc đua giữa hai loại vật liệu mới cho đồng hồ là thép không gỉ và titanium, và như bạn đã biết thì lợi thế đã hoàn toàn nghiêng về thép không gỉ. Thép dễ sản xuất hơn, có màu sáng, với ánh kim đẹp mắt, tuy nhiên Titanium thì không được như vậy. Titanium sẽ có màu xám đen, đậm hơn so với thép, về độ bóng thì Titanium cũng không thể so sánh được với chất liệu phổ biến kia. Vì thế, với vật liệu thép, các nhà sản xuất đồng hồ có thể sáng tạo nên rất nhiều phong cách đồng hồ rất đẹp mắt và rạng rỡ, không những thế, với nhiều kĩ thuật đánh bóng và mạ màu khác nhau cho thép, có thể biến mẫu đồng hồ thép cao cấp có mức giá lên ngang với mẫu đồng hồ vỏ mạ vàng 18k. Và nếu nói trọng lượng nhẹ là điểm mạnh của Titanium cũng không thật sự chính xác. Thực sự, trọng lượng trên đồng hồ đeo tay không thật sự quá quan trọng. Có những người thích đeo đồng hồ có trọng lượng nhẹ, và ngược lại cũng có những người thích đeo đồng hồ nặng, đầm tay, như những mẫu đồng hồ thép nguyên khối hoặc loại đồng hồ vàng khối có trọng lượng khá nặng và được xem là một trong những chỉ tiêu cho chất lượng đồng hồ cao cấp. Bất chấp mọi trở ngại, Citizen hàng năm vẫn tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm với titanium với những kỹ thuật tân tiến nhất. Việc theo đuổi một mục đích duy nhất ngay từ đầu đã đưa Citizen là thương hiệu dẫn đầu uy tín trong cuộc đua chế tác đồng hồ titanium. Titanium có một nhược điểm lớn rất dễ bị trầy xước, và để vật liệu trở thành vật liệu phổ thông hơn thì phải làm cách nào hạn chế được nhược điểm này, cần phải có thêm một tác động để gia tăng được độ cứng của Titanium. Và sau 30 năm nghiên cứu, thử nghiệm và phát triển, Citizen đã sáng tạo ra thành công loại công nghệ phủ Duratect khiến bề mặt vật liệu có thể chống trầy xước cao gấp 5 lần thép, có thể tạo độ bóng tốt hơn và đã được giới thiệu tại hội nghị ASPEC World Time năm 2000 với tên gọi Super Titanium.



Tới hiện tại năm 2020, qua tròn 50 năm, Citizen đã phát minh ra những phương pháp đơn giản hơn để sản xuất chất liệu, giúp hạ giá thành của những mẫu đồn hồ Titanium để tiếp cận nhiều đối tượng người tiêu dùng hơn. Đồng thời kĩ thuật xử lý Titanium của Citizen cũng ngày một hoàn thiện và tinh xảo hơn, ta có thể thấy rõ điều này khi so sánh chiếc đồng hồ Titanium đầu tiên, Citizen X-8 Chronometer 1970, có vỏ chỉ được xử lý đánh bóng mài nhẹ tạo nên điểm đốm nhỏ với sắc màu xám đen hãy còn khá thô và mờ, so với những mẫu đồng hồ Super Titanium hiện tại có màu sắc sáng hơn, bóng bẩy hơn và nhìn gần giống như là vật liệu thép không gỉ với độ cứng cao gấp 5 lần thép.


Citizen X-8 Chronometer từ năm 1970 có vỏ chỉ được xử lý đánh bóng mài nhẹ tạo nên điểm đốm nhỏ với sắc màu xám đen hãy còn khá thô và mờ so với những mẫu đồng hồ Super Titanium hiện tại.



Để đánh dấu cột mốc 50 năm như là thương hiệu cha đẻ đã khai sinh vât liệu Titanium cho đồng hồ, Citizen cho ra mắt mẫu đồng hồ Citizen Titanium Technology 50th Anniversary Satellite Wave GPS F950, là một tuyệt tác đáng được mong chờ nhất năm 2020.



Ngoài việc cho ra mắt mẫu đồng hồ Super Titanium mới nhất, Citizen đang cố gắng đưa công nghệ Super Titanium vươn tới vũ trụ. Cấu trúc siêu nhẹ cùng những độ cứng ấn tượng dường như đã là mối nhân duyên vận mệnh của titanium với ngành công nghiệp vũ trụ. Với kỹ thuật Super Titanium vượt trội và độc nhất, Citizen chính là đối tác tin cậy của một start-up Nhật Bản mang tên iSpace, đang thực hiện dự án chinh phục và khám phá Mặt Trăng cho tới năm 2023 mang tên Hakuto (thỏ trắng).


Trong dự án này, Citizen có vai trò như là một nhà cung cấp công nghệ Super Titanium™ cho các bộ phận quan trọng của tàu bay vũ trụ Hakuto, giúp tên tuổi thuong hiệu Citizen sẽ không chỉ là nhà chinh phục ngành chế tác vật liệu Titanium, mà còn là một trong số rất ít nhũng thương hiệu đồng hồ đã đặt chân đến tận Mặt Trăng.

Nguồn: CITIZEN KỈ NIỆM 50 NĂM PHÁT TRIỂN DÒNG ĐỒNG HỒ TITANIUM


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Đồng Hồ Nam Citizen C7 Mechanical NH8395-00E

Đồng Hồ Nam Citizen Eco-Drive BX1008-12E

Đồng Hồ Nam La Grande Classique de Longines L4.766.4.94.2